Tôi thấy trước đây khán giả truyền hình Việt Nam chưa thực sự nghĩ họ có thể ảnh hưởng đến kết quả một “cái gì đó lớn”...Tư duy ấy đã thay đổi qua một đêm – do Uyên Linh!
Bài này sẽ không công bằng vì 3 lý do. Thứ nhất, tôi chưa kịp xem Văn Mai Hương hát. Thứ hai, tôi biết Linh từ khi bạn ấy còn là sinh viên ngây thơ phụ trách cửa hàng quần áo nhỏ ngoài cổng Học viện ngoại giao Hà Nội. Thứ ba, tôi nợ Linh.
Có mấy lần Linh giúp tôi mấy việc linh tinh ở công ty, gọi điện người nọ, viết lại tờ kia – tôi định cảm ơn bằng tiền nhưng thấy kỳ quá nên tôi quyết định sẽ rủ Linh và mấy bạn chung đi ăn một bữa cơm thật ngon. Nhưng thời gian đã trôi qua, tôi vào Sài Gòn, Linh ra Hà Nội, tôi về Hà Nội, Linh về Sài Gòn, việc đó vẫn nằm trong “to do list” của tôi. Nếu tính lãi suất thì tôi nợ Linh chính xác là 7,43 bữa cơm ngon cộng với 3,2 lần đi hát karaoke ở quán có cả điều hòa và thang máy.
Tôi viết bài khen là đương nhiên. Vậy tôi sẽ bắt đầu và kết thúc phần khen trong một câu: Linh hát hay chết Tây. Xong. Bây giờ tôi sẽ chuyển tập trung vào một điều thú vị ở đằng sau sự xuất hiện của Uyên Linh. Đó là sự xuất hiện của khán giả.
Tôi thấy trước đây khán giả truyền hình Việt Nam chưa thực sự nghĩ họ có thể ảnh hưởng đến kết quả một “cái gì đó lớn”. Dù sao ban giám khảo đã chọn rồi. Dù sao ca sĩ nọ là “gà” của VIP kia. Dù sao hệ thống SMS không minh bạch. Dù sao mọi thứ đều có kịch bản hết. Dù sao, dù sao và dù sao…Lý thuyết thì tớ có thể ảnh hưởng đến kết quả. Nhưng thực tế thì không; tớ biết mà, tớ không dại, tớ không mơ.
Tư duy ấy đã thay đổi qua một đêm - do Uyên Linh. Linh không phải chỉ hơn các thí sinh khác mà hơn hẳn - tôi nghĩ đa phần khán giả sẽ đồng ý với tôi. Khi bắt đầu để ý đến Việt Nam Idol, nhiều khán giả nghĩ chắc chắn Linh sẽ vào vòng chung kết - nếu “bọn tớ” không quyết định như thế thì chương trình sẽ quyết định giúp. “Kiểu gì Linh cũng sẽ vào vòng chung kết.”
Vậy nên cách đây 3 tuần khi Linh bị “loại sớm” nhiều người đã thức tỉnh. Tôi tin rằng Linh thực sự nhận ít tin nhắn bình chọn nhất trong giai đoạn đó. Một phần vì nhiều người nghĩ Linh giỏi quá, có quá nhiều người ủng hộ nên tốt nhất là ủng hộ thí sinh khác, cho vừa. Nhưng một phần khác là vì khán giả không tự tin vào khả năng ảnh hưởng đến kết quả của họ (do những “dù sao” trên), quá tự tin vào khả năng ảnh hưởng đến kết quả của đơn vị sản xuất.
Có lẽ chương trình công bố kết quả “loại mà không loại” đó có chút phần kịch bản. Nhìn từ góc độ người tham gia sản xuất chương trình truyền hình, tôi đoán rằng tổng đạo diễn đã biết bạn Khoa sẽ “có vài lời phát biểu” vào cuối chương trình, đặt sẵn âm thanh và máy quay để hỗ trợ bạn Khoa và người thân “ra ý” (chứ bộ phận kỹ thuật phản xạ như vậy không đơn giản chút nào). Nhưng chuyện bạn Khoa xin thôi tôi nghĩ là do nguyên nhân khách quan - nếu bạn ấy quyết định chơi tiếp thì chương trình đã bắt buộc phải thả cá Linh dưới biển, dù mong muốn hay không. Đa phần khán giả nhận ra điều đó, nhận thấy rằng họ có quyền lực thực sự.
Uyên Linh biểu diễn tại Vietnam Idol.
Sau đó tôi thấy cơn gió mới thổi vào. Rất nhiều người bảo nhau trên facebook phải bình chọn cho Linh. Nhiều người thông báo trên status họ đã bình chọn cho một thí sinh “trên tivi” lần đầu tiên trong đời - chưa bao giờ họ thấy “người bình thường” hát hay như vậy, chưa bao giờ họ nghĩ có thể giúp người bình thường ấy chiến thắng - trong thực tế. (Tôi chưa thấy ai viết status như vậy liên quan Sao Mai Điểm Hẹn, nhưng đó là chuyện khác.)
Sự thật là phải có người thực sự giỏi mới “bắt” một hệ thống lớn để lộ thông tin thú vị.
Ví dụ, tại Olympic mùa đông 2002 Salt Lake City, cặp trượt băng nghệ thuật Sale và Pelletier (Canada!) đã không được trao huy chương vàng mặc dù họ là cặp đôi biểu diễn hay “hơn hẳn”. Đôi Nga được 5 trong số 9 trọng tài cho là hay nhất, cho dù đã phạm một lỗi kỹ thuật trong khi trình diễn. “Scandal!” hàng triệu khán giả kêu, khiến Liên đoàn Trượt băng quốc tế thực hiện điều tra, xem có hay không việc một số trọng tài “phải chịu sức ép” trước khi bỏ phiếu. Cuối cùng Liên đoàn Trượt băng quốc tế đề nghị đổi màu huy chương cho Sale và Pelletier từ bạc lên vàng. Sale và Pelletier biểu diễn quá hay khiến một thế lực đen “bị lộ”. Còn Uyên Linh hát quá hay khiến một thế lực trắng “được lộ”. Trong cả hai trường hợp, nếu không có người thực sự giỏi thì thế lực vẫn nằm trong mơ hồ.
Vậy nên Uyên Linh hơn một Idol bình thường. Còn nếu Uyên Linh không thành Việt Nam Idol thật thì… thôi viết xong câu đó làm gì.
Theo Joe.
No comments:
Post a Comment